Lịch sử Khai Trí Tiến Đức

Trụ sở cũ của hội Khai Trí Tiến Đức do Đỗ Văn Y thiết kế, sau gọi là câu lạc bộ Thống Nhất, tọa lạc ở số 16 phố Lê Thái Tổ, nay là 79 Hàng Trống, Hà NộiTờ chương trình giới thiệu vở kịch nói Bệnh tưởng của Nguyễn Văn Vĩnh diễn năm 1920 tại Nhà Hát lớn Hà Nội

Hội Khai Trí Tiến Đức được thành lập ngày 5 tháng 2 năm 1919 với học giả Phạm Quỳnh làm Tổng thư ký,[3] Phạm Duy Tốn làm Phó tổng thư ký. Cử nhân Hoàng Huân Trung làm Hội trưởng. Những nhân vật khác có tên tuổi cũng đứng tên trong hội là Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu (con trai của Kinh lược đại thần Hoàng Cao Khải) và Thượng thư Bộ Binh kiêm Bộ học Thân Trọng Huề (người mà vua Bảo Đại gọi là cậu).[4] Ngoài ra Louis Marty, chánh sở Liêm phóng và Nha Chính trị Đông Dương cũng đứng tên trong Hội.[5] Nguyên Tổng đốc Bắc Ninh, Nam Định Đoàn Triển, nhà thơ Trần Tuấn Khải, nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Trác, nhà văn Nguyễn Bá Học. Toàn quyền Albert Sarraut có đến khai trương và nhận "Hội trưởng danh dự".

Năm 1920 Hội mở cuộc thi tuyển chọn kiến trúc xây hội quán. Đỗ Văn Y thắng giải thiết kế và năm 1922 thì công việc xây cất hoàn thành để khánh thành hội quán trên phố Hàng Trống, ngay phía tây bờ hồ Gươm.[6] Nơi đó trở thành địa điểm tổ chức nhiều sinh hoạt như các cuộc hội thảo, diễn thuyết, triển lãm tranh cùng các trò giải trí tiêu khiển như bi da, đánh cờ, yến tiệc. Thoại kịch của Nguyễn Văn Vĩnh như vở Trưởng giả học làm sang (nguyên tác là Le Bourgeois gentilhomme của Molière) cũng được Hội bảo trợ.[7] Hoạt động của Hội có những mốc lịch sử đáng kể như "Giải thưởng văn chương năm 1925" (trao cho tác phẩm Quả dưa đỏ của Đồ Nam Tử Nguyễn Trọng Thuật),[8] truy niệm thi hào Nguyễn Du (1924), truy điệu doanh gia Bạch Thái Bưởi (1932), diễn thuyết về các đề tài như Truyện Kiều, quốc học, v.v... Có những cuộc trao đổi không kém gay cấn về chính trị giữa giới trí thức người Việt và chính quyền Bảo hộ của người Pháp đã diễn ra tại hội quán tuy chủ ý của Hội là văn hóa chứ không phải chính trị.[9]

Sau khi Việt Minh đoạt chính quyền Hội bị giải tán theo sắc lệnh ngày 24 tháng 9 năm 1945 vì bị cho là "công cụ thống trị tinh thần và nô dịch văn hoá của thực dân", nơi các cụ (quan chức và tư sản) lui tới đánh tổ tôm.